Đề nghị quy định phạt tiền đối với hành vi bỏ cọc trong đấu giá tài sản
Có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong đấu giá tài sản. Theo đó, số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.
Chiều 8/11, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này.
Bổ sung các quy định mới về đấu giá đất, khoáng sản, tần số
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản. Trong đó, có những nội dung như bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn (tương tự các chức danh bổ trợ tư pháp khác).
Dự thảo cũng bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đề nghị phạt số tiền lớn với hành vi đấu giá cao rồi bỏ cọc
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Về trình tự, thủ tục, dự thảo bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù, bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án như thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường…; việc dừng, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá trong một số trường hợp; bổ sung Điều mới quy định về điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để đảm bảo phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới.
“Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù trong thời gian qua” – Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng việc dự thảo nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá. Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá, hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.
Ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm người tham gia đấu giá
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm đối với quy định về thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thời hạn nộp tiền đặt trước để khắc phục tình trạng khách hàng tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau và với tổ chức đấu giá để chỉ có một, hoặc một vài người đặt tiền trước. Đồng thời, cân nhắc trong trường hợp kết quả đấu giá phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì thời hạn chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản là 3 ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá. Nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá. Trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Thảo luận tại tổ sau đó về Luật đấu giá tài sản, đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TP.HCM) cho biết thực tế nhiều người tham gia đấu giá nhưng mục đích chưa hẳn là mua được tài sản đấu giá. Ngoài việc trả giá cao, họ còn có những mục đích khác như: thao túng mặt bằng giá mới, phô trương thanh thế… Cho nên, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được làm chặt chẽ. Cùng với đó, cần quy định tiền đặt cọc trước đấu giá như thế nào để ràng buộc được trách nhiệm những người tham gia đấu giá.
Theo đại biểu Dương Ngọc Hải, từ thực tiễn trong thời gian vừa qua, việc quy định tăng tiền đặt cọc lên 10% để ngăn chặn việc sẵn sàng mất cọc để thực hiện mục đích khác là cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, theo đó quy định rõ biên độ chênh lệch đặt cọc mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị, vị trí tài sản. Ngoài ra, nên phạt tiền đối với người không chấp hành đúng pháp luật đấu giá, không vì mục đích mua được tài sản. Họ sẽ không chỉ mất tiền cọc mà còn phải chịu thêm phạt hành chính.
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), nếu người đấu giá chứng minh được họ có yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn thì có thể được chấp nhận, không bị xử lý. Còn không thì nên cấm người đó đấu giá tài sản trong khoảng thời gian. Trong trường hợp người trúng đấu giá không nhận, có thể cho phép người đấu giá cao thứ hai có quyền được nhận tài sản để hạn chế không phải đấu giá lại, mất thời gian và công sức./.
H.Y
https://taisancong.vn/de-nghi-quy-dinh-phat-tien-doi-voi-hanh-vi-bo-coc-trong-dau-gia-tai-san-25883.html